Lễ hội chùa Hương và những căn bệnh trầm kha

Mùa lễ hội năm 2013, dẫu các ngành chức năng đã hứa hẹn thắt chặt công tác quản lý, nhưng đến hẹn lại lên, tình trạng chặt chém, chèo kéo khách, vòi tiền bồi dưỡng chở đò… vẫn tái diễn tại lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội).
 

Ảnh: Đức Thịnh
Trước khai hội chùa Hương 2013, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Nguyễn Văn Hậu cho hay, mùa lễ hội năm nay đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với mục tiêu quản lý tốt để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi, làm hài lòng khách; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường; tạo môi trường văn hóa lành mạnh… Ban tổ chức đã quy hoạch đồng đều các hàng quán, yêu cầu niêm yết giá công khai, có tủ kính để bảo quản thực phẩm và ký cam kết không treo thịt động vật. Năm nay cũng là lần đầu tiên lực lượng công an hai huyện Ứng Hòa và Thanh Oai sẽ phối hợp cùng công an huyện Mỹ Đức, với khoảng 200 người, ứng trực tại 15 chốt quan trọng để ngăn chặn tình trạng cò mồi, lôi kéo du khách…
Lễ hội chùa Hương năm nay, công tác vệ sinh môi trường được làm tốt nên suối Yến và đường lên động Hương Tích khá sạch sẽ. Nhiều tấm biển nhắc nhở, kêu gọi khách du xuân lễ Phật giữ ý thức văn minh khi tham gia lễ hội. Trong động Hương Tích, bàn ghi công đức, hòm công đức, bảng biển yêu cầu không cúng rượu, thịt, giò chả, vàng mã, tiền âm phủ được bố trí ở nhiều nơi… Tuy nhiên, tình trạng chặt chém, chèo kéo khách, thậm chí vòi tiền bồi dưỡng vẫn tái diễn. Từ khu vực Vân Đình đi chùa Hương, xe máy bám đuổi, thậm chí chèn trước ôtô, xe máy khách đi đường để mời chào đi thuyền. Theo quan sát của phóng viên, nhiều người đến khu vực bán vé đò, vé thắng cảnh không mua được vé vì… không có người bán, đành phải mua vé theo kiểu chợ đen. Hàng trăm điểm trông giữ xe trong khu vực lễ hội, dẫu đã niêm yết giá chung của ban tổ chức, nhưng đều thu phí cao hơn nhiều.
Các loại thịt động vật, thú rừng treo bán ngang nhiên, gây phản cảm. Đường lên động Hương Tích bị chen lấn, che khuất bởi dãy hàng quán. Tình trạng một số chủ đò lừa lấy tiền của khách vẫn tái diễn. Cá biệt, ngày 17.2 (tức 8 tháng Giêng), cò đò bắt khách rồi thuê người chèo, nhưng khi xuống thuyền khách vẫn bị vòi thêm tiền bồi dưỡng dẫn đến mâu thuẫn, nhà thuyền đánh khách bị trọng thương… Ông Nguyễn Văn Hậu tuyên bố sau ngày khai hội chùa Hương, Ban tổ chức sẽ quyết liệt chấn chỉnh tình trạng treo thịt tươi sống trước cửa hàng ăn, hộ nào cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định; phát hiện trường hợp nào ép khách hành hương sẽ xử lý thật nghiêm. Nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Ngay sau ngày khai hội, một trang web đã đăng tải bài viết chia sẻ kinh nghiệm: 7 điều cẩn trọng khi trảy hội chùa Hương.
Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp trong phong tục của người Việt. Ngoài ý nghĩa tâm linh, cầu mong một năm mới an lạc, đây còn là dịp để các gia đình hoan hỉ du xuân. Tuy nhiên, sự xô bồ của lễ hội chùa Hương những năm gần đây khiến khách thập phương không khỏi nuối tiếc cho cảnh đẹp của Nam thiên đệ nhất động, sự thanh tịnh chốn cửa thiền. Thiết nghĩ, chế tài đã có, việc phân cấp quản lý cũng rõ ràng, để chấn chỉnh công tác quản lý lễ hội, ngoài những buổi hội thảo, họp trực tuyến rút kinh nghiệm, những cuộc thanh tra, kiểm tra rầm rộ, Bộ VH, TT và DL cũng nên áp dụng kinh nghiệm của ngành khác: tướng không đánh trận được thì thay.
Cao Sơn
theo : daibieunhandan.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *