Đền Và ( Sơn Tây )

Đền Và là tên một ngôi đền nằm cách thị xã Sơn tây chừng 2km về phía Tây Bắc,thuộc địa phận thôn Vân Già,xã Trung Hưng,thị xã Sơn Tây tỉnh Hà Tây.
Đền Và được xây dựng trên một khu đồi tĩnh mịch,giữa rừng lim cổ thụ,bốn mùa xanh tươi.
Đền được xây dựng từ đời Hùng Vương thứ 18.Tấm văn bia dựng vào đời Tự Đức năm thứ 36(năm trùng tu lớn nhất) cho biết:” Đền Và đã có từ thời nhà Đường đô hộ nước ta…”
Từ khi xây dựng đền đến nay,trải qua bao năm tháng,qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn.. Đền Và đều được trùng tu lại. Đặc biệt vào đời vua Duy Tân thứ nhất 1907, đền được xây như quy mô ngày nay.
Đền Và xây theo hướng Bắc-Nam,cửa đền có tam quan rộng,mái lợp ngói cổ,trên đỉnh đắp nổi hình lưỡng long triều nguyệt.Cổng nghi môn có ba cửa, cửa chính giữa chỉ mở trong những dịp hội lớn.
Qua cổng đền là một sân rộng lát gạch bát tràng,hai bên phía ngoài có gác chuông,gác trống.
Toà chính điện gồm năm gian với rất nhiều cột trụ chống mái.Mái ngói hình mũi hài.Bên trong toà bái đường bầy nhiều đồ thờ tự và treo rất nhiều hoành phi,câu đối.Bức hoành phi chính giữa,sơn son thiếp vàng có ghi bốn chữ đại tự “ Nam Thiên Thánh Tổ “
Trên hương án thờ chính ,có ba cỗ ngai thờ, ở giữa thờ Đức Thánh Tản,hai bên là hai vị tướng giỏi của Ngài là Cao Sơn và Quý Minh.
Bên trong cùng là hậu cung, được mở mang xây dựng vào đời vua Duy Tân năm thứ 9.Hậu cung là nơi thờ Mẹ Đức Thánh Tản Viên, mà dân ta tôn thờ là Đức Quốc Mẫu.
Theo Ngọc phả: Đức Thánh Tản tên là Nguyễn Tuấn,sinh ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Hợi,thuộc đạo Hưng Hoá,xã Nam Sơn, nay là xã Trung Nghĩa,huyện Thanh Thuỷ ,tỉnh Vĩnh Phúc.Hai vị tướng giỏi là hai người em họ của Ngài.Tướng Cao Sơn tên là Nguyễn Hiển,tướng Quý Minh tên là Nguyễn Sùng.
Theo truyền thuyết: Đức Thánh Tản lấy công chúa Ngọc Hoa là con gái vua Hùng đời thứ 18. Người đã có công giúp nhà vua trong việc trị thuỷ,giữ gìn non sông đất nước,lập lại hoà bình.Sau đó Người cùng công chúa trở về sống ở núi Ba Vì.Ngưòi thường đi du ngoạn đây đó,giúp đỡ dân chúng,trị bệnh cứu người.
Một lần đến vùng đất này,Người thấy cảnh vật tốt tươi,muôn phần đẹp đẽ,trên có mây lành ngũ sắc che phủ.Người liền cho lập một hành cung gọi là Đông cung ( tức là chỗ đền Và ngày nay.)
Người đặt tên cho tên làng chỗ đó là Vân Già, nghĩa là có mây lành che phủ.
Sau khi Đức Thánh Tản hoá,dân nhớ đến công ơn Ngài,lập đền thờ ngay tại nơi đây.
Ngày nay xung quanh núi Ba Vì có bốn đền thờ lớn ,thờ Đức Thánh Tản gọi là bốn cung :
Đông cung (Đền Và)thuộc xã Trung Hưng,thị xã Sơn Tây.
Tây cung (Đền Hạ) thuộc xã Ninh Quang,Bát Bạt, Ba Vì.
Nam cung thôn Yên Quảng,Tản Ninh,Ba Vì.
Bắc cung thôn Thượng,Yên Lạc,tỉnh Vĩnh Phúc.
Hàng năm Đền Và mở hội vào ngày rằm tháng Giêng.Lệ xưa cứ ba năm một lần tổ chức Đại hội,vào các năm Tý-Mão-Ngọ -Dậu.Lễ rước tiến hành từ sáng sớm,từ Đền Và đi qua cổng thành Sơn,rồi đưa kiệu xuống thuyền qua sông đến đền Dội bên kia bờ bắc với các tuần tế lễ và diễn lại tích xưa,ca ngợi công đức của Đức Thánh Tản.
Hội vui kéo dài cho đến chiều,khi lá cờ hội to nhất gặp gió bắc phất bay, thì đó là lệnh triệu hồi. Sau đó về đến Đền Và là tuần tế đêm. Đại hội kéo dài trong ba ngày.
Đền Và là một khu di tích thiêng liêng từ hàng ngàn đời nay đối với người dân Việt. Với tấm lòng tôn kính vị Thánh nhân và đạo lý uống nước nhớ nguồn,cùng với lòng mong mỏi một cuộc sống thanh bình,no ấm.Những truyền thống tốt đẹp đó mãi mãi được lưu truyền trong các thế hệ của dân tộc Việt Nam ta. 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐẾN VÀ ( SƠN TÂY )




Bài viết : Nguyễn Tài Đức 
Photo : Mantico’s BLOG
Style : Bảo  Hoàng MC 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *